Thiết kế vỏ ngoài
LG gram khá trung thành với thiết kế ban đầu, nên tới phiên bản 2018 thì máy không có quá nhiều thay đổi về vỏ ngoài, trừ việc logo của máy được đặt ngay ngắn chính giữa vỏ ngoài rất thanh lịch và thời trang. Đây vẫn là chiếc laptop được làm bằng hợp kim nano carbon magnesium, cho độ bền vượt trội, đặc biệt hơn phiên bản 2018 được công nhận đạt tiêu chuẩn quân đội Mỹ khi vượt qua đủ 7 thử thách gắt gao về độ bền. Chính công nghệ vật liệu nhẹ nổi bật được ứng dụng cho vỏ ngoài của gram đã đem lại độ nhẹ rất ấn tượng, chỉ 965 gram cho bản 13 inch và 1095g cho bản 15 inch. Nói một cách công bằng, đây chưa phải là một chiếc laptop có thiết kế đẹp xuất sắc, không bóng bẩy như MacBook Pro 2018 hay Dell XPS 13, cũng không có những điểm đặc biệt như vỏ alcantara của Surface Laptop. Song, đây vẫn là một thiết kế mang tính thẩm mỹ cao, hãng tránh được những yếu tố thừa nên vỏ ngoài máy dù đơn giản nhưng rất thanh lịch.
Phần nắp trên máy được làm khá mỏng, nên không cho độ chắc chắn như những dòng được thiết kế bằng thép, nhưng cũng không cho cảm giác dễ dàng hỏng. Còn phần dưới do được gia cố bằng các linh kiện bên trong, nên không hề bị cong khi nhấn mạnh tay xuống, giúp cho việc gõ phím được thoải mái hơn.
Điểm mạnh của gram 2018 so với các dòng laptop siêu mỏng nhẹ khác đó là các cổng kết nối. Cả Apple lẫn Dell đều chỉ trang bị cho dòng laptop mới của mình USB Type C. Vẫn biết đây là cổng kết nối của tương lai, nhưng hiện tại vẫn có quá nhiều công việc cần sử dụng các cổng kết nối cũ, dẫn tới tình trạng phải sử dụng dongle rất bất tiện. Với gram, LG trang bị cho người dùng 2 cổng USB Type-A 3.1, HDMI, cổng nghe nhạc 3.5mm, cổng sạc riêng, USB-Type C và khe cắm thẻ nhớ micro SD.
Điểm chê duy nhất của mình đó là máy sử dụng cổng micro SD thay vì SD, vì từ cổng lớn ta có thể chuyển xuống cổng nhỏ qua adapter, chứ không thể làm điều ngược lại.
Đế máy có các chân cao su chống trượt, cùng với 2 cụm lỗ để thoát âm cho loa. Loa của LG gram 2018 có âm lượng đủ tốt để sử dụng trong phòng lớn, cũng như không bị méo hay xé tiếng khi để âm lượng cao, nhưng tất nhiên sử dụng màng loa bé nên không hề có nhiều âm trầm, nên nếu sử dụng để xem video thì đủ tốt, nhưng nếu nghe nhạc thì người dùng nên trang bị thêm cho mình một cặp tai nghe chất lượng tốt.
Bàn phím của gram được trang bị đèn nền rất tiện dụng, giúp người dùng có thể sử dụng trong ban đêm nếu chưa rõ mặt phím. Vì có thiết kế mỏng nhẹ, nên phần bàn phím của máy cũng không có hành trình quá dài, nhưng ít nhất là vẫn có một khấc (click) nhẹ nên vẫn có phản hồi khi gõ.
Sau khoảng 2 giờ thử đánh, mình có thể gõ được với tốc độ khoảng 80% so với bàn phím PC đang sử dụng, với những ai chỉ sử dụng laptop thì chắc chắn sẽ quen dần và có tốc độ đánh nhanh hơn. Nếu được thiết kế gram 2018, mình vẫn sẽ đánh đổi một chút độ mỏng để bàn phím có hành trình dài hơn, giúp tạo sự thoải mái nếu như phải ngồi gõ lâu dài.
Track-pad của máy không có nhiều nâng cấp về phần cứng so với phiên bản 2017, nhưng lại có nâng cấp lớn về phần mềm. Hãng đã không sử dụng driver riêng nữa, mà áp dụng driver Windows Precision, cho độ chính xác chuột cũng như những thao tác (Gesture) chuẩn xác hơn nhiều. Mặt di của track-pad rất mượt, không cho cảm giác rít tay, nhưng cũng được sơn phủ màu trắng giống với vỏ nên người dùng cũng cần để ý trong vấn đề làm sạch.
Màn hình
Khi LG gram 2018 được ra mắt, rất có nhiều người tự hỏi tại sao trong khi các hãng khác đã ra mắt laptop có màn hình 2K, 3K thậm chí 4K thì LG vẫn kiên quyết chọn độ phân giải Full-HD. Có lẽ có 2 lí do chính để hãng đưa ra quyết định này. Đầu tiên, trên màn hình 13.3 inch, thì độ phân giải Full-HD sẽ cho mật độ ảnh (DPI) lớn bằng đúng với chuẩn 4K trên màn 27-inch, và cho tới nay thì đa phần mọi người vẫn sử dụng màn hình loại đó để làm mọi công việc đồ họa, nên việc ra tăng độ phân giải là không quá cần thiết.
Thứ 2, hãng làm vậy để tiết kiệm pin. Với PC thì pin có thể nói là 'vô hạn', cứ dùng bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu. Còn với laptop thì hãng phải cân bằng giữa các yếu tố để cho thời lượng pin tốt nhất, và một trong những yếu tố 'hút' pin đáng kể là màn hình, việc tăng độ phân giải lên sẽ làm máy nhanh cạn pin hơn rất nhiều.
Nhưng độ phân giải không phải là yếu tố tiên quyết khi nói về màn hình. Tấm nền IPS LG sử dụng trên gram 2018 có chất lượng rất tốt, cho độ tương phản cao cùng màu sắc tươi sáng, hiển thị chính xác. Hãng cũng đã cân chỉnh tấm nền ngay từ lúc đóng hộp, nên màn hình LG gram không bị ngả sang màu xanh dương giống với rất nhiều các laptop khác trên thị trường. Từ những tác vụ như lướt web, đọc văn bản tới chỉnh sửa ảnh tấm nền này đều có thể đáp ứng được.
Một điểm yếu của màn hình LG gram đó là mặt ngoài được làm dạng bóng (Glossy) chứ không phải dạng lì (Matte) nên nếu sử dụng ở ánh sáng mạnh thì sẽ bị chói, cũng như dễ dính bẩn vân tay hơn. Tuy vậy thì tấm nền có độ sáng tốt - khoảng 290nit, nên người dùng hoàn toàn có thể tăng độ sáng để sử dụng ngoài trời.
Hiệu năng thực tế
Ta sẽ bắt đầu đánh giá hiệu năng của gram 2018 bằng những bài test định lượng. Đầu tiên là CrystalDiskMark: Máy cho tốc độ đọc 562MB/s và ghi là 500MB/s, cho thấy hãng đã sử dụng SSD theo chuẩn SATA chứ không phải M.2 NVMe. Với 90% những công việc hàng ngày thì SSD có tốc độ cao hơn cũng không cho cảm giác máy 'mượt' hơn. Nhưng nếu bạn là người rất cần 10% còn lại, thì có thể mở máy và nâng cấp SSD. Trên thực tế, máy cho tốc độ khởi động, thức dậy từ khi đóng máy, các thao tác load và xử lí file từ bộ nhớ đủ nhanh, nên theo đánh giá cá nhân thì mình cũng sẽ không nâng cấp SSD làm gì.
Nâng cấp về hiệu năng lớn nhất của phiên bản 2018 đó là Chip Intel thế hệ thứ 8. Phiên bản trải nghiệm hôm nay sử dụng chip i5-8250U, cho điểm Cinebench R15 là 490 - 500, cao hơn tới 150% so với chip tiền nhiệm được sử dụng trong gram là i5-7200U.
Ta sẽ thử khả năng tản nhiệt của máy khi cho CPU chạy 100% trong thời gian dài. Sau khoảng một vài giây đầu, máy sẽ xảy ra hiện tượng quá nhiệt và giảm xung nhịp, vì lúc này quạt chưa được tăng tốc để giữ máy im lặng. Sau đó, quạt sẽ được bật để giữ máy mát, cũng như để CPU tăng tốc độ, làm tăng hiệu năng. Quạt của LG gram 2018 khá êm, nên chỉ khi sử dụng buổi tối hoặc trong môi trường cực kì im lặng thì ta mới có thể nghe thấy quạt, và tiếng quạt cũng rất êm chứ không 'bạo lực' như những chiếc laptop gaming.
Sử dụng trên thực tế, máy cho tốc độ xử lí các tác vụ thường ngày rất nhanh. Từ đọc và sửa văn bản trên Words, lướt web, xem phim, xem Youtube (thậm chí ở độ phân giải 4K), tất cả đều chỉ là 'muỗi' với vi xử lí i5-8250U của LG gram 2018. Tác vụ nặng nhất mà mình làm hàng ngày là sửa ảnh trên Lightroom và Photoshop.
Khi xuất ảnh từ Lightroom, vi xử lí sẽ tăng tốc lên 2.4GHz trên tất cả các nhân, lúc này thì máy sẽ phải hoạt động nặng hơn và quạt sẽ quay, nhưng trong lúc này người dùng vẫn có thể làm các công việc khác. Công việc duy nhất mà mình thử mà làm máy quá tải đó là ghi ghép hình Panorama trong Photoshop, phần mềm có giật lag, nhưng sau khoảng 1 phút thì lại tiếp tục hoạt động và cuối cùng vẫn có thể hoàn thành được tác vụ.
Con chip i5-8280U cho hiệu năng rất tuyệt vời cho các tác vụ văn phòng, nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu chơi game. Trong các tựa game nổi tiếng như CS:GO, Overwatch và Fortnite thì người dùng cần phải giảm độ phân giải xuống 720p để cho framerate đủ chơi. Phiên bản 13 inch mình được trải nghiệm chỉ có cổng USB Type C thông thường, với những ai cần chơi game thì có thể nâng cấp lên phiên bản 15 inch để có thể dùng eGPU gắn ngoài với cổng Thunderbolt 3.
Nhưng theo những bài trải nghiệm của gamer, thì LG gram không thiết kế để có thể chơi game, nên nếu như bạn chơi những game nhẹ, eSport thì gram có thể đáp ứng được, còn nếu như chơi game hạng A, hoặc chơi thi đấu dạng 'hardcore' thì vẫn nên sử dụng PC, hoặc các laptop gaming thực sự.
Thời lượng pin
Một trong những điểm yếu của ultrabook thông thường đó là chúng được làm quá nhỏ và mỏng, không thể tích hợp được những viên pin có dung lượng lớn nên thường có thời lượng pin từ trung bình tới yếu. Điều này là hoàn toàn sai với LG gram 2018. Hãng tích hợp cho laptop một viên pin 72Wh, thậm chí còn lớn hơn so với nhiều chiếc máy có cấu hình cao hơn rất nhiều, kết quả là thời lượng pin trên thực tế của máy thực sự rất ấn tượng.
Mình sạc đầy máy trong buổi sáng, sau đó rút sạc và bắt đầu làm việc. Trong một ngày, mình lướt web, ngồi gõ văn bản trong Words và Notepad, lâu lâu chán thì mở Youtube xem, và tới giữa ngày thì ngồi sửa một vài tấm ảnh trong Lightroom. Và tới tận tầm chiều tối, máy mới báo còn 20% và yêu cầu cắm sạc. Bấm giờ bằng điện thoại, LG gram 2018 cho thời lượng sử dụng liên tục tới 14 tiếng, vượt xa so với các đối thủ ultrabook khác. Nếu như chỉ làm những công việc văn phòng như Words, Excel, thì bạn hoàn toàn có thể 'tự tin' bỏ dây sạc ở nhà, tới công ty làm việc 8 tiếng và vẫn còn pin để xem 1 bộ phim!
Lời kết
Không có bất cứ chiếc laptop nào là hoàn hảo, LG gram 2018 cũng vậy. Máy vẫn có những điểm yếu mà người dùng phải chấp nhận khi mua một chiếc máy với độ mỏng và kích thước tuyệt vời như vậy, và cả những điểm mà hãng có thể cải thiện trong tương lai.
Nhưng nhìn một cách tổng thể, đây là một chiếc laptop dành cho dân văn phòng và cả sinh viên đại học có tính hoàn thiện rất cao, nổi bật với độ nhẹ vô đối, đầy đủ các cổng kết nối cả mới và cũ, hiệu năng nâng cấp đáng kể với phiên bản trước, và cuối cùng là thời lượng pin tuyệt vời. Tuy 'nhẹ' nhưng LG gram 2018 là một đối thủ rất 'nặng' ở phân khúc laptop mỏng nhẹ.
Điểm thích
- Thiết kế mỏng và rất nhẹ (965g - 1095g)
- Đầy đủ cổng kết nối, đặc biệt vẫn giữ USB Type-A
- Có khả năng nâng cấp RAM Dual-channel
- Màn hình màu tươi, độ tương phản cao
- Đặt webcam về đúng chỗ
- Hiệu năng tuyệt vời cho tác vụ văn phòng
- Hoạt động êm ái và không nóng trong thời gian dài
- Thời lượng pin thực tế rất tốt
Điểm không thích, nhưng chấp nhận được
- Bàn phím hành trình ngắn nhưng vẫn có click
- Loa không bị méo âm khi tăng âm lượng, nhưng tiếng không dày
- Cần nâng cấp lên phiên bản 15.6inch để có Thunderbolt 3
- Màn hình có bóng khi dùng ngược nắng